Hối phiếu là thuật ngữ mà bất kỳ ai trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đều đã nghe qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các loại hối phiếu cũng như các thông tin có trong nội dung của hối phiếu. Vậy hối phiếu là gì? Hối phiếu được phân loại như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của WilliamRees để hiểu rõ hơn về thuật ngữ này nhé!
Hối phiếu là gì?
Theo Khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh Thương phiếu Số: 17/1999/PL-UBTVQH10: “Hối phiếu là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng”.
Hay nói đơn giản, hối phiếu (Bill of exchange) là loại giấy tờ chứng nhận cho vay nợ ngắn hạn, dưới hình thức của một văn bản. Theo đó, người phát hành hối phiếu (người đi vay) phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ nhất định cho người hưởng hối phiếu (người cho vay) khi đến kỳ hạn hoặc ngay khi nhận được hối phiếu đòi nợ.

Khi hối phiếu được phát hành, chấp nhận và ký hậu (người chấp nhận có thể là ngân hàng, bên cung ứng,…) thì người được hưởng hối phiếu có thể thương lượng hoặc chiết khấu (bán lại với giá thấp hơn mệnh giá hối phiếu), với lãi suất ngắn hạn trên thị trường.
Có 2 mẫu hối phiếu:
- Hối phiếu nội địa: sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong nước
- Hối phiếu ngoại thương: sử dụng cho giao dịch nước ngoài
Thông thường, hối phiếu có thời hạn cao nhất là 6 tháng và được sử dụng phổ biến để tài trợ cho thương mại quốc tế (luân chuyển hàng hóa), đặc biệt là trong ngành công – nông nghiệp.
Xem thêm: Kiều hối là gì?
Ý nghĩa của hối phiếu là gì?
- Hối phiếu là phương thức thanh toán được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu, gắn liền với các hình thức thanh toán quốc tế như thư tín dụng (L/C) hoặc ủy thác thu.
- Khi hối phiếu trao tay từ người này sang người khác hay được chiết khấu tại các ngân hàng, thì nó sẽ trở thành một công cụ lưu thông tín dụng. Như vậy, khi chưa đến kỳ thanh toán thì hối phiếu giống như một sản phẩm được trao đổi trên thị trường tiền tệ.
Đặc điểm, chức năng của hối phiếu
Hối phiếu là một chứng từ có giá trị, được sử dụng nhiều trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực xuất – nhập khẩu nhờ những đặc điểm và chức năng riêng biệt dưới đây:
Đặc điểm
- Tính trừu tượng của hối phiếu: Khách hàng không cần ghi rõ lý do lập hối phiếu, mà chỉ ghi số tiền phải trả và những nội dung liên quan đến việc thanh toán. Vì vậy, hiệu lực pháp lý của hối phiếu không bị ràng buộc bởi lý do lập hối phiếu. Điều này đồng nghĩa với nghĩa vụ trả tiền hoàn toàn trừu tượng.
- Tính bắt buộc của hối phiếu: Người vay phải trả nợ theo đúng nội dung được ghi trên hối phiếu và không chấp nhận bất cứ lý do nào để khất nợ hay từ chối yêu cầu của người thụ hưởng (người cho vay).
- Tính lưu thông của hối phiếu: Trong thời hạn của hối phiếu, nó có thể được chuyển nhượng một hoặc nhiều lần, với số tiền được ghi trên hối phiếu.
Chức năng
- Hối phiếu là phương tiện thanh toán: Giúp bên bán thu được tiền từ bên mua hay giúp trung gian chuyển tiền trả nợ cho người bán.
- Hối phiếu là phương tiện đảm bảo: đây là dạng chứng từ có giá trị, vì thế hối phiếu có thể mang đi thế chấp, cầm cố, mua bán,…
- Hối phiếu là phương tiện cung cấp tín dụng: nhờ tính chất là dạng chứng từ có giá trị nên hối phiếu rất hữu ích trong việc cung ứng các khoản tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng.
Hối phiếu được phân loại như thế nào?
Hối phiếu có rất nhiều loại và được phân chia theo nhiều phương thức khác nhau. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm của từng loại hối phiếu, hãy tham khảo những thông tin được chia sẻ dưới đây nhé!

Dựa vào thời hạn thanh toán
- Hối phiếu có kỳ hạn (Time Draft): là loại hối phiếu cho phép người ký phát quy định thời gian thanh toán hối phiếu. Nghĩa là, khi hối phiếu này được phát hành, người bị ký phát phải thanh toán số nợ theo đúng thời hạn đã được giao ước. Một số cách để quy định thời gian thanh toán như sau:
- Thời hạn nhất định kể từ ngày ký phát hối phiếu
- Thời hạn nhất định kể từ ngày ký chấp nhận hối phiếu
- Thời gian nhất định kể từ ngày ký vận đơn
- Ngày cụ thể được xác định trong tương lai
- Hối phiếu trả tiền ngay (Sight Draft): khi người bị ký phát nhận được loại hối phiếu này (nếu nó được phát hành theo đúng quy định pháp luật), đồng nghĩa rằng phải thanh toán khoản nợ ngay lập tức mà không được trì hoãn với bất kỳ lý do nào.
Dựa vào chứng từ kèm theo
- Hối phiếu trơn: là loại hối phiếu không yêu cầu người trả tiền phải kèm theo bất kỳ loại giấy tờ nào. Thông thường, hối phiếu này sẽ được sử dụng để thanh toán tiền vi phạm, tiền bồi thường và các khoản phí như phí vận tải, bảo hiểm.
- Hối phiếu kèm chứng từ: ngược lại với hối phiếu trơn, loại hối phiếu này yêu cầu người trả tiền phải kèm theo các chứng từ liên quan đến hàng hóa, sản phẩm,…
Dựa vào tính chất chuyển nhượng
- Hối phiếu đích danh: ghi rõ chính xác họ tên người thụ hưởng và chịu trách nhiệm liên quan, không kèm điều khoản trả theo lệnh nên sẽ không được chuyển nhượng lại cho người khác.
- Hối phiếu vô danh: trên hối phiếu sẽ không ghi ai là người thụ hưởng. Người nào cầm tờ hối phiếu này trên tay thì người đó được thụ hưởng hối phiếu và có thể chuyển nhượng hối phiếu bằng cách ký hậu hoặc trao tay.
- Hối phiếu theo lệnh: là loại hối phiếu trả theo lệnh của người thụ hưởng và có thể chuyển nhượng bằng cách ký chuyển nhượng ở mặt sau của hối phiếu (ký hậu chuyển nhượng).
Dựa vào người ký phát hối phiếu
- Hối phiếu thương mại: do người ký phát (bao gồm đại diện công ty xuất khẩu, người xuất khẩu, người bán, nhà cung ứng,…) lập ra để yêu cầu bên nhập khẩu phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ.
- Hối phiếu ngân hàng: là loại hối phiếu do ngân hàng ký phát lệnh, yêu cầu các ngân hàng đại lý (hay chi nhánh) của mình trả một số tiền nhất định cho người được hưởng thụ trên hối phiếu.
Dựa vào trạng thái chấp nhận
- Đã ký chấp nhận: hối phiếu đã được bên trả tiền chấp nhận và ký kết sẽ chịu trách nhiệm thanh toán đúng thời hạn.
- Chưa ký chấp nhận: hối phiếu chưa được bên trả tiền chấp nhận và ký kết sẽ chịu trách nhiệm thanh toán.
Ngoài những loại hối phiếu phổ biến vừa kể trên, bạn cũng cần biết đến các loại hối phiếu khác như: hối phiếu cho việc thanh toán theo hình thức nhờ thu, hối phiếu cho việc thanh toán theo hình thức tín dụng chứng từ, hối phiếu nội tệ và hối phiếu ngoại tệ,…
Các bên tham gia nghiệp vụ phát hành hối phiếu
- Người ký phát (drawer): bao gồm đại diện công ty xuất khẩu, người xuất khẩu, người bán, nhà cung ứng,..
Người ký phát hối phiếu là người lập, ký tên vào hối phiếu và đòi tiền người bị ký phát. Người ký phát sẽ được hưởng chiết khấu thế chấp hối phiếu tại ngân hàng và chuyển nhượng quyền hưởng hối phiếu cho người khác.
- Người bị ký phát (drawee): là người trả nợ cho người ký phát dưới bất kỳ lý do nào khi hối phiếu đến kỳ hạn thanh toán.
Sau khi hối phiếu được xuất trình, người bị ký phát có thể trả ngay hoặc chấp nhận thanh toán hối phiếu trả sau.
- Người hưởng lợi (beneficiary): là người được nhận số tiền ghi trên hối phiếu một cách hợp pháp. Hoặc người hưởng lợi có thể sử dụng hối phiếu để cầm cố, thế chấp, vay nợ tại ngân hàng.
- Người chuyển nhượng (endorser): là người chuyển quyền hưởng lợi của hối phiếu thông qua trao tay hoặc ký hậu.
- Người chấp nhận (acceptor): là người có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi nợ trên hối phiếu có kỳ hạn.
- Người cầm phiếu (holder or bearer): là người có quyền giữ hối phiếu khi được trả tiền.
Hướng dẫn cách lập hối phiếu
Dưới đây là một số thông tin có trên hối phiếu, mà bạn cần phải nắm rõ nếu muốn lập hoặc điền hối phiếu một cách chính xác nhất:

- Tiêu đề: Bill of Exchange, đôi khi viết tắt là Exchange hoặc Draft.
- Ngày và nơi ký phát hối phiếu:
Ngày ký phát: phải ghi sau ngày của B/L (ngày vận đơn được phát hành).
Nơi ký phát: ở quốc gia ký phát (bên xuất khẩu, nhà cung ứng, người bán,…).
- Số hối phiếu (No…): ghi theo số lưu hồ sơ của người ký phát hối phiếu.
- Loại tiền và số tiền: ghi rõ ràng và không được vượt quá số tiền ghi trên hóa đơn hay thư tín dụng (L/C).
- Thời hạn thanh toán hối phiếu: có 2 dạng
Trả ngay (At sight of this FIRST (SECOND) Bill of Exchange): nghĩa là “thanh toán ngay sau khi thấy bản thứ nhất (thứ hai) của hối phiếu này”.
Trả sau
- “At … days after sight of this…”: nghĩa là “Thanh toán trong … ngày sau khi nhìn thấy hối phiếu này”.
- “At … days after signed of this…”: nghĩa là “Thanh toán trong … ngày sau khi ký phát hối phiếu này”.
- “At … days after bill of lading date of this…”: nghĩa là “Thanh toán trong … ngày sau ngày ký vận đơn”.
- “At … days after shipment date of this…”: nghĩa là “Thanh toán trong … ngày sau ngày giao hàng”.
- “On … of this”: nghĩa là thanh toán vào một ngày cụ thể.
- Trả theo lệnh của ai (Pay to the order of…): thông thường, tại mục này bên xuất khẩu/người bán sẽ ghi như sau:
“Pay to the order ourselve”: nếu bên xuất khẩu không chiết khấu hối phiếu này cho ai nữa.
“Pay to the order of [tên Ngân hàng Thông báo]”: nếu bên xuất khẩu chiết khấu hối phiếu cho bên Ngân hàng thông báo. Trong trường hợp này, bên xuất khẩu phải thực hiện ký hậu để ngân hàng Thông báo có thể thụ hưởng tiền từ ngân hàng Mở (trước khi gửi hối phiếu, bên xuất khẩu đã được ký chấp nhận cho ngân hàng Mở đòi tiền).
- Tổng số tiền được ghi bằng chữ (The sum of…): số tiền mà người bị ký phát phải thanh toán cho người hưởng thụ sẽ được nhắc lại 2 lần. Số tiền viết bằng số đã được điền tại mục (4), và số tiền viết bằng chữ sẽ điền tại mục (7). Lưu ý, ở 2 mục này phải trùng khớp với nhau, nếu khác nhau thì số tiền bằng chữ sẽ có giá trị thanh toán.
- “Hối phiếu này được ký phát dựa trên…”(Drawn under):
- Nếu thanh toán theo hình thức D/P (thanh toán ngay) thì điền: “Drawn under [số invoice + ngày invoice hoặc số hợp đồng + ngày làm hợp đồng]”.
- Nếu thanh toán theo hình thức L/C (thư tín dụng) thì điền: “Drawn under [số LC, loại LC, ngày phát hành LC, ngân hàng phát hành LC + số invoice + ngày invoice]”.
- Người bị ký phát (To …): ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người trả tiền như sau:
- Nếu hối phiếu dùng trong phương thức thanh toán nhờ thu: điền “tên và địa chỉ người nhập khẩu”
- Nếu hối phiếu dùng trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ: điền “ngân hàng của người nhập khẩu” theo hướng dẫn bên dưới:
- Điền “tên người nhập khẩu”: Nếu L/C quy định “Drawee là applicant” thì B/E phải được ký phát cho người nhập khẩu – người mở thư tín dụng.
- Điền “tên ngân hàng Mở”: Nếu L/C quy định “Drawee là Issuing bank” thì B/E phải được ký phát cho ngân hàng mở.
- Điền “ngân hàng chi nhánh/ngân hàng được chỉ định/ngân hàng trả tiền/ngân hàng xác nhận”: Nếu L/C quy định “Drawee là ngân hàng chi nhánh/ngân hàng được chỉ định/ngân hàng trả tiền/ngân hàng xác nhận” thì B/E phải được ký phát cho một trong những ngân hàng này.
- Tên người thụ hưởng
Người thụ hưởng là người sẽ nhận được khoản tiền nợ phải trả từ người bị ký phát. Người thụ hưởng có thể là:
- Đối với hối phiếu không có sự chuyển nhượng thì người thụ hưởng là người ký phát hối phiếu.
- Đối với hối phiếu theo lệnh và hối phiếu đích danh thì người thụ hưởng là người được ghi trên phần ký hậu chuyển nhượng.
- Nếu phần ký hậu của hối phiếu để trống thì người thụ hưởng sẽ là người nắm giữ hối phiếu.

Lời kết
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về hối phiếu, cũng như cách điền những nội dung trên hối phiếu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với WiliamRees để được giải đáp sớm nhất nhé! Chúc các bạn thành công!