Bao thanh toán là một hình thức cấp tín dụng cho doanh nghiệp phổ biến tại các ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng và bên mua hàng có được nguồn vốn chủ động trong công việc kinh doanh và tăng doanh số. Vậy bao thanh toán là gì? Quy trình bao thanh toán gồm các bước nào? Các thắc mắc của bạn sẽ được WilliamRees giải đáp trong bài viết dưới đây, cùng theo dõi nhé.
Bao thanh toán là gì?
Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng mà doanh nghiệp (bên bán hàng) chuyển nhượng các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa cho bên thứ ba là ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được bên bán và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng. Khi đó, đơn vị bao thanh toán sẽ ứng trước cho doanh nghiệp một giá trị khoản phải thu nhất định theo thỏa thuận trước đó.

Ví dụ:
Công ty A quyết định ký một hợp đồng bao thanh toán với Ngân hàng Vietcombank. Điều đó có nghĩa là công ty A đã bán lại các khoản phải thu của mình cho bên bao thanh toán là Ngân hàng Vietcombank. Theo đó, công ty A được quyền ứng trước một khoản tiền nhất định từ Ngân hàng kể cả khi bên mua chưa thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng.
Xem thêm: Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Bao thanh toán hoạt động như thế nào?
Có 3 bên liên quan trực tiếp đến hoạt động bao thanh toán bao gồm: bên bán khoản phải thu, bên nợ (bên nợ tài khoản hoặc khách hàng của bên bán) và bên bao thanh toán.
Khoản phải thu bản chất là một tài sản chính do bên nợ chịu trách nhiệm trả tiền nợ cho bên bán. Sau đó, người bán thực hiện một hoặc nhiều hóa đơn (các khoản phải thu) cho bên thứ ba là tổ chức tài chính chuyên biệt (bên bao thanh toán).
Theo đó, bao thanh toán có quyền truy đòi và không truy đòi. Với bao thanh toán có quyền truy đòi, đơn vị thanh toán được quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng khi bên mua không thể hoàn thành thanh toán khoản nợ. Ngược lại, với bao thanh toán không truy đòi, bên bao thanh toán không có quyền truy đòi và phải chịu những tổn thất liên quan nếu bên nợ không đủ khả năng tài chính.
Nghiệp vụ bao thanh toán bao gồm 3 phần chính:
- Ứng trước: một tỷ lệ phần trăm nhất định của hóa đơn được thanh toán cho bên bán hàng.
- Dự trữ: phần còn lại của khoản phải thu được giữ đến khi bên mua hàng hoàn tất việc thanh toán.
- Phí chiết khấu: là chi phí liên quan đến việc bên bao thanh toán giải ngân cho khách hàng là bên bán. Mức phí này nhằm đảm bảo rủi ro tín dụng cũng như tiền lãi ứng trước và chi phí cung cấp các dịch vụ khác.
Lợi nhuận tổng thể bao thanh toán nhận được: chênh lệch giữa số tiền giải ngân cho bên bán và số tiền nhận được từ bên nợ, trừ đi số tiền bị mất do bên nợ không đủ khả năng thanh toán (nếu có).
Lợi ích của bao thanh toán?
Đối với bên bán hàng
- Bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp, tăng khả năng thanh khoản.
- Mở rộng thị trường bán hàng, tăng khả năng cạnh tranh khi cung cấp cho bên mua hàng phương thức thanh toán hấp dẫn.
- Tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong việc quản lý và thu hồi các khoản phải thu.
- Doanh nghiệp không cần phải vay ngân hàng hay có các tài sản đảm bảo vẫn có được một nguồn tài chính lớn để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả.
- Hạn chế các rủi ro tín dụng, rủi ro vỡ nợ khi bên mua mất khả năng thanh toán.
Đối với bên mua hàng
- Có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ trước khi thanh toán.
- Sử dụng tín dụng từ bên bán hàng để tài trợ vốn lưu động.
- Cơ hội đàm phán điều khoản mua hàng tốt hơn.
- Được hưởng lợi ích tài chính từ việc mua hàng trả chậm
- Thủ tục thanh toán đơn giản, có thể linh hoạt lựa chọn nguồn tiền thanh toán.
Các loại hình bao thanh toán

Theo Thông tư số 02/2017/TT-NHNN quy định về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có nêu rõ 4 loại hình bao thanh toán hiện nay đối với khách hàng, cụ thể:
Bao thanh toán bên bán hàng: là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu của bên bán hàng, thông qua việc cho bên bán ứng trước tiền để được nhận quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến khoản phải thu theo thỏa thuận.
Bao thanh toán bên mua hàng: là hình thức mà đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải trả của bên mua hàng thông qua việc cho bên mua ứng trước tiền để thanh toán cho bên bán hàng, sau đó bên này sẽ hoàn trả tiền ứng trước, lãi và phí theo thỏa thuận.
Bao thanh toán trong nước: là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà trong đó bên bán hàng và bên mua hàng đều là người cư trú.
Bao thanh toán quốc tế: là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu. Trong đó, một bên là người cư trú còn lại một bên là người không cư trú.
Các hình thức bao thanh toán

Có 3 hình thức bao thanh toán, bao gồm:
Bao thanh toán từng lần: là hình thức bao thanh toán mà tổ chức tín dụng chia khoản phải thu thành từng danh mục cụ thể. Mỗi lần bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán sẽ thực hiện thủ tục và ký kết hợp đồng riêng.
Bao thanh toán hạn mức: Đơn vị, tổ chức bao thanh toán thỏa thuận với khách hàng một khoản nợ bao thanh toán nhất định mà tại bất cứ thời điểm nào trong thời hạn của hạn mức, tổng số dư bao thanh toán với bên bán hàng không được vượt quá số dư này.
Bao thanh toán hợp vốn: Hai hay nhiều bên bao thanh toán cùng thực hiện bao thanh toán đối với một hoặc một số khoản phải thu hoặc khoản phải trả. Trong đó, một đơn vị bao thanh toán sẽ đứng ra làm đầu mối thực hiện việc bao thanh toán hợp vốn.
Một số quy định về bao thanh toán
Thông tư 02/2017/TT-NHNN quy định về bao thanh toán nêu rõ điều kiện bao thanh toán và những trường hợp không được bao thanh toán.

Điều kiện bao thanh toán
Đơn vị bao thanh toán xem xét, quyết định bao thanh toán khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đối với khách hàng là người cư trú
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
- Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu bao thanh toán để sử dụng tiền ứng trước vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Đối với khách hàng là người nước ngoài
- Khách hàng là tổ chức
- Nhu cầu bao thanh toán để sử dụng tiền ứng trước vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
- Trong trường hợp khách hàng là bên nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện quy định như ở trên kèm theo một trong các điều kiện sau đây:
- Khách hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
- 100% giá trị của khoản phải trả được bảo lãnh thanh toán, bảo hiểm bởi bên thứ ba, được khách hàng ký quỹ, được bảo đảm bằng tiền gửi của khách hàng tại đơn vị bao thanh toán.
- Những trường hợp không được bao thanh toán
Trong một số trường hợp, các đơn vị tổ chức bao thanh toán sẽ không được quyền bao thanh toán đối với những khoản phải thu thuộc một trong các danh mục sau đây:
- Các sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục cấm của pháp luật.
- Hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.
- Hợp đồng có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
- Hợp đồng cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực, ngành nghề tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
- Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác.
- Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Đang có tranh chấp.
Thời hạn bao thanh toán
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 TT 02/2017/TT-NHNN, thời hạn bao thanh toán chính được tính từ ngày tiếp theo của ngày đơn vị bao thanh toán tiến hành ứng trước số tiền đầu tiên cho đến khi nợ và lãi bao thanh toán được trả hết theo quy định trong hợp đồng.
Nếu ngày cuối cùng trong thời hạn bao thanh toán trùng với ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ, tết thì sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo sau đó. Đặc biệt, nếu trường hợp bao thanh toán không đủ 1 ngày thì sẽ được xác định theo quy định của Luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn.
Chi phí bao thanh toán
- Lãi suất và phí bao thanh toán do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp đến hạn vẫn đang nợ, lãi bao thanh toán không được trả hoặc trả không đầy đủ theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ bao thanh toán theo lãi suất bao thanh toán đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn bao thanh toán mà đến hạn chưa trả.
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
c) Trường hợp nợ bao thanh toán bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên nợ bao thanh toán quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất bao thanh toán trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
- Trường hợp áp dụng lãi suất bao thanh toán điều chỉnh, đơn vị bao thanh toán và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất bao thanh toán. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất bao thanh toán khác nhau.
Quy trình bao thanh toán

Một quy trình bao thanh toán sẽ được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Thẩm định hồ sơ và ký hợp đồng bao thanh toán
Các công việc cần thực hiện trong bước này như:
- Người bán ký Hợp đồng thương mại với người mua.
- Người bán làm thủ tục xin tài trợ bao thanh toán.
- Đơn tài trợ bao thanh toán làm theo mẫu và gửi cho Ngân hàng hoặc công ty Tài Chính uy tín và đáng tin cậy.
- Các tài liệu liên quan cần chuẩn bị: Hợp đồng thương mại, Tên, địa chỉ các bên liên quan,…
Sau khi nhận được hồ sơ của khách hàng, Ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính sẽ tiến hành thẩm định tài trợ theo nội dung sau:
- Thẩm định người mua (Tình hình kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, điểm tín dụng người mua…).
- Thẩm định tình hình người bán (Tính khả thi, Tính ổn định…).
Sau khi đã được thẩm định an toàn, hai bên sẽ tiến tới ký kết Hợp đồng bao thanh toán.
Bước 2: Người bán thực hiện hợp đồng thương mại
Người bán tiến hành gửi hàng đi cho người mua theo các điều kiện và điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng giao dịch.
Bước 3: Người bán nộp chứng từ xin tài trợ bao thanh toán
Người bán gửi các chứng từ, hóa đơn bán hàng kèm theo những văn bản chuyển nhượng khoản nợ cho đơn vị bao thanh toán.
Lưu ý: chỉ những khoản nợ có thời hạn không quá sáu tháng mới được bao thanh toán.
Bước 4: Đơn vị bao thanh toán thẩm định và thực hiện tài trợ
Sau khi nhận được bộ chứng từ xin tài trợ bao thanh toán. Ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính cần thẩm định lại tính trung thực chính xác của bộ chứng từ do người bán nộp vào.
Nếu chứng từ đầy đủ và hợp lệ, đơn vị bao thanh toán thực hiện việc thanh toán ngay cho bên bán đồng thời gửi bộ chứng từ cho bên mua.
Số tiền đơn vị bao thanh toán hoàn trả cho người bán hay số tiền ứng trước có hạn mức từ 50% – 80% giá trị bộ chứng từ.
Bước 5: Hoàn tất quy trình bao thanh toán
Khi chứng từ đến hạn, đơn vị bao thanh toán gửi yêu cầu thanh toán cho người mua. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền theo bộ chứng từ cho đơn vị bao thanh toán.
Cuối cùng, đơn vị bao thanh toán xác nhận số tiền và hoàn tất quy trình bao thanh toán.
Hồ sơ bao thanh toán cần có những gì?
Để đảm bảo quy trình bao thanh toán được thực thi, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ chứng minh đủ điều kiện bao thanh toán bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị bao thanh toán;
- Hợp đồng bao thanh toán;
- Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng;
- Hồ sơ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có);
- Quyết định bao thanh toán có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;
- Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng số tiền ứng trước liên quan đến hợp đồng bao thanh toán do đơn vị bao thanh toán hướng dẫn.
(*) Những thông tin trên hồ sơ, khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho đơn vị bao thanh toán.
Lời kết
Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng mua lại các khoản phải thu phát sinh trong quá trình mua bán hàng hoá, được bên bán và bên mua thoả thuận trong hợp đồng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc về thuật ngữ bao thanh toán. Đừng quên theo dõi WilliamRees để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích khác bạn nhé!